Triều đại Huni

Không có nhiều thông tin được biết đến về triều đại của Huni ngoại trừ việc vua Huni được ghi lại là đã cai trị 24 năm theo cuộn giấy cói Turin. Các hoạt động tôn giáo hoặc quân sự dưới triều đại của ông cũng không được biết đến[3].

Những nguồn sử liệu đương đại duy nhất mà cho phép đánh giá bất kỳ sự phát triển về mặt chính trị và xã hội nào dưới triều đại của Huni chính là những dòng chữ khắc trong lăng mộ của các vị đại thần như là Metjen, Khabausokar, A'a-akhtyPehernefer. Chúng có niên đại kéo dài từ cuối vương triều thứ 3 cho đến giai đoạn đầu vương triều thứ 4. Chúng cho thấy rằng triều đại của Huni phải là thời điểm bắt đầu thời kỳ hoàng kim của Cổ Vương Quốc. Đây cũng là những văn bản đầu tiên đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc và rõ ràng về cơ cấu chính quyền của vương quốc, với các vị nomarch và tể tướng nắm giữ nhiều quyền hạn quan trọng. Ngoài ra lần đầu tiên trong lịch sử Ai Cập, những dòng chữ khắc trong ngôi mộ của Metjen đã đề cập đến việc tước hiệu của các quan đại thần và tư tế chỉ có thể được truyền lại từ đời này qua đời khác[2].

Có vẻ như Huni đã cho tiến hành một số dự án xây dựng. Cuộn giấy cói Turin vốn hiếm khi ghi lại những thông tin bổ sung liên quan đến các vị vua, đã xác nhận một cách chắc chắn rằng Huni đã cho xây dựng một công trình. Thật không may, đoạn ghi chép có liên quan tới công trình này ở trên cuộn giấy cói đã bị hư hỏng và tên đầy đủ của công trình này đã không còn được lưu lại đến ngày nay. Các nhà Ai Cập học như Günter Dreyer và Werner Kaiser cho rằng đoạn ghi chép trên được đọc là "Ngài đã xây dựng Sekhem...". Họ tin rằng công trình này là một phần của dự án xây dựng lớn diễn ra trên toàn bộ vương quốc, bao gồm cả việc xây dựng một vài kim tự tháp nhỏ.[19][20]

Một manh mối khác liên quan đến các dự án xây dựng và những thành phố được thành lập dưới triều đại của Huni có thể được ẩn giấu trong tên gọi lịch sử của thành phố Ehnas (ngày nay được biết với tên gọi là Heracleopolis Magna). Wolfgang Helck chỉ ra rằng tên gọi thời Cổ Vương quốc của thành phố này là Nenj-niswt và tên gọi này được viết theo kiểu gần giống với những chữ tượng hình bên trong đồ hình của Huni. Vì vậy, ông ta cho rằng Huni là người đã thành lập nên thành phố Ehnas. Ngoài ra, những chữ khắc trong ngôi mộ của Metjen đề cập đến một thánh địa thờ cúng ở châu Letopolis. Công trình này hiện vẫn chưa được các nhà khảo cổ tìm ra.[21][22]

Sau khi qua đời, Huni dường như vẫn được thờ cúng rất lâu sau đó. Tấm bia đá Palermo đã đề cập đến những đồ cúng tế dành cho ngôi đền tang lễ của Huni. Tên của Huni cũng được đề cập đến trong cuộn giấy cói Prisse, đây là một bằng chứng khác cho thấy Huni vẫn còn được nhớ đến rất lâu sau khi ông qua đời bởi vì cuộn giấy cói này được viết dưới thời kỳ vương triều thứ 12.[2]